Lúc mình viết entry này chỉ định là vừa kể một chuyện vui vậy thôi, không ngờ càng viết càng dài. Đến mức, định đi lục lại những hình ảnh xưa cũ đế minh họa một phần. Nhưng có lẽ không cần thiết. Trong ảnh, có những người đã không còn hiện diện trên đời nữa, có những người đã quá lâu không hiểu đã đi đâu và về đâu, có những người không biết vì sao không còn liên lạc nữa. Và đến đây thì có lẽ bạn sẽ hiểu được rằng, đó là đánh mất. Cũng giống như những vụn hoa tuyết tan đi trong gió. Khi buổi tiệc đã tàn, không gì còn lại ngoài vỏ chai champagne đã rỗng và những con người mơ ngủ.
Giáng Sinh cũng chính là thời khắc một năm cũ khép lại, năm mới sắp đến. Đối với những người đã cùng nhau đi một quãng đường, dù ngắn dù dài, ít nhiều cũng sẽ có những điều để nhớ
Hồi nhỏ cũng có thời được ông già Noel dịch vụ với ông già Noel giấu mặt tặng quà. Nhưng ngoài những món ăn được chơi được vừa ý thích như tàu lửa xe hơi búp bê nhí nhố thì không thể nhớ chứ có 3 món sau mình đời đời kiếp kiếp ko quên :
1. Cây kéo làm thủ công.
Chính xác là vào mùa đông mình học lớp ba, nhớ chính xác luôn vì hồi đó SG lạnh dữ lắm. Buổi sáng đường Hai Bà Trưng người ta trưng bày đồ noel còn là mấy trái châu bằng miểng đó, loại đụng vào rớt loảng xoảng chưa chơi đồ chỉ, đồ nhựa đồ đá xịn như bây giờ.
À quên, người ta không trưng bày, người ta bán mới đúng. Ý mình là người ta trưng bày cho mình coi, lựa, xong mình mua chứ không phải trưng cho vui.
Ngoài trái châu miểng ra còn có một loại đồ trang trí hình dài dài giống trái me, mà nó có rãnh y như trái me luôn, đưa tay vào bóp khá thú vị. Hồi đó mình cứ nghĩ cái này có lẽ làm bằng đất sét vì nó có kết cấu khá đất sét, như vò vò cục đất sét hình trụ xong bóp lại tạo thành. Mỗi lần ba má mình đưa mình ra đó mua đồ trang trí này nọ là xác định mình đứng bóp bể một hai trái châu miểng với trái me đó của người ta. Nhưng mình chỉ sờ cái thôi xem thế nào chứ không có ý bóp bể đâu oan khuất lắm :''''(((((
Năm đó mình học thủ công cần cây kéo mà lần nào mình đi học môn đó cũng lấy cây kéo loại bằng thép dùng trong phòng mổ đi cắt. Cô giáo mình lúc đó nói mỗi lần con cầm cái đó lên quơ quơ cô đứng tim quá con ơi. Lúc đó mình cũng hem hiểu gì sao cô đứng tim chứ nhà mình kéo đó quá nhiều, muốn bén hơn cũng có, cỡ nào cũng có, cắt chỉ cắt giấy cắt gì cũng lấy kéo đó. Ba mình thậm chí còn cắt móng tay nữa cơ. Đến bây giờ mình cắt chân mày cũng dùng kéo đó chứ thực ra trong bộ kéo có mấy loại lận, ba mẹ mình cho mình mang cây kéo đầu tròn, bằng lắm là ok lắm rồi vì thực ra nó khá cùn chứ không phải loại sắc lạnh mà hem biết sao cô giáo sợ. Có lẽ là mình nhìn mấy cái vật dụng kim chích dao mổ kéo này kẹp kia nó quá quen nên người nhìn không quen thấy ghê lẽ nào như thế??!!!Hình như cô giáo phản ánh với ba mẹ mình à nhầm ông già noel chi đó mà Noel năm đó mình được tặng một cây kéo thủ công loại nhỏ, màu vàng, vừa tay học sinh, được gói vừa trong một cái hộp thuốc cảm xinh xắn.
Năm đó mình không vui không buồn gì.
2. Bách khoa toàn thư dành cho trẻ em từ 6 đến 9 tuổi
(hay đến 10 tuổi gì đó)
Mình công nhận mấy người biên soạn cuốn sách này hơi bị hay đó chứ trẻ em 6 tuổi tiêu chuẩn sao biết đọc nhiều chữ như vậy mà đòi làm Bách khoa với cả toàn thư, thật là tào lao. Nếu mình không biết chữ nhờ đọc đô rê mon trước khi đi học lớp 1 là thua rồi, sao đọc được cuốn sách kỳ bí đó đây?
Mà ông già Noel vẫn tặng.
Lúc mình còn bé, Noel với giao thừa với năm mới dương lịch là một vài ngày duy nhất được thức khuya. Tuy có nói trong cái entry nào đó là nhà mình có truyền thống anti-social nhưng cũng nhiệt tình hiếu khách lắm, y như bị bi-polar disorder cả gia tộc XDDD. Thực ra thì hem phải, mà là do mấy người khác có cái niềm vui là qua nhà mình ăn ăn uống uống vui vui vẻ vẻ. Một phần là vì mẹ mình nấu ăn ngon, phần còn lại mình thấy hơi kỳ bí đến tận bây giờ vẫn không hiểu vì sao nên khỏi giải thích nhé :))) . Hễ nhà nội đi lễ xong sẽ tụ tập qua nhà mình ăn ăn, dù nhà mình khônh theo đạo, còn tại sao nhà nội theo đạo nhà mình không theo đạo là một chuyện kỳ bí số hai trong suốt cái entry này, để tăng tính hấp dẫn, mình quyết định không kể ra. Có mấy năm mẹ mình còn làm bánh khúc cây bûche nữa nên mua mấy cái đường trang trí với lại kẹo dẻo gắn lên cây mình biết lắm rành lắm. Hồi đó thịnh hành trang trí cây nấm đường như vầy nè, mà thường cái chân nấm bẻ ra ăn vụng rất sướng.
Nhớ lại cảnh nướng bánh là một ký ức vui vẻ, ngọt ngào nhưng thực ra làm thì quá là mửa mật đi. Hồi đó làm gì có lò nướng bằng điện bỏ vô bấm tít tít xong chạy tới lấy cây chọt bánh ra như bây giờ, những năm 90 mấy muốn nướng bánh là phải nướng bằng than. Kể ra chắc có nhiều bạn nhỏ không hình dung được, nhưng cứ tưởng tượng một cái thùng nướng như cái tivi màn hình cong (không phải phẳng lcd led liếc gì đâu) đặt trên một cái lò than, xong rồi hì hục mửa mặt ra mà quạt tay chứ không có đồng hồ chỉnh bấm, nhiệt độ nhiệt dung gì hết, toàn là sức người không đó. Mỗi lần hết than là phải cúi cúi nhét nhét rồi phải đánh lửa cho nó bùng lên rồi ngồi canh rồi quạt vừa phải thôi không nó cháy bùng là khét bánh. Xong rồi làm gì có whipping cream, rồi fondant fond điếc như bây giờ, tất cả là kem bơ hết. Bơ cũng hem được anchor parmersan xịn như bây giờ mà bơ frais, để nóng một chút là tách lớp luôn, nước ra nước bơ ra bơ dầu ra dầu. Nên cứ phải hì hục đánh đánh cực lắm. Tầm tháng 11, 12 là nhà mình lúc nào cũng ngào ngạt mùi kem bánh rồi, vừa có sinh nhật vừa có Giáng sinh nữa. Có một thời kỳ mình chê cách trang trí bánh như hồi xưa là quá quê, nhưng bây giờ nghĩ lại đúng là nhiều kỳ công kinh khủng.
Làm bánh khúc cây cực hơn bánh kem bình thường, vì ngoài nướng xong hình như còn để nó đủ ẩm để cuộn nó thành cuộn dài dài. Xong làm bơ, trét kem cho đều đều rồi trang trí. Mình còn nhớ lấy cái nĩa vẽ vẽ sao cho nó giống vân gỗ nữa, xong gắn mấy cái hình đường ông già noel, người tuyết, cây nấm lên. Xong rốt cuộc mua cái hộp đựng dán giấy hoa màu đỏ y như đám cưới có hình long phụng hòa minh tùm lum (loại này tuyệt chủng rồi) hình chữ nhật xong để vào tủ lạnh. Tới gần bữa đó là mang đi. Mà không phải là một cái, làm vài cái tặng cho người này người kia. Xong người này người kia tặng lại bánh cho mình.
Bây giờ nhìn mấy cái kiểu trang trí na ná nhau của Paris Gâteaux, Tous Les Jours, Savoure, Ni Ni... hoặc ngay ở những nơi được cho là quê hương của mấy cái bánh này cũng thấy nó cứ na ná nhau. Biết là ngon nguyên liệu xịn còn chơi khè lửa meringue với công nghệ kéo đường quá tiên tiến và thời bây giờ thì trang trí đơn giản mới là đẹp là xịn, nhưng những chiếc bánh được trang trí "quê mùa", với dòng chữ vẽ bằng màu đỏ đã từng là một ký ức háo hức rất trẻ con. Một dạng háo hức mà từ lúc đặt bánh từ tiệm về không còn được.
cơ mà cho Kim Soo Hyun quảng cáo thì không nhạt không nhạt haha~ |
Có những điều tốt đẹp mà đôi khi nó mất đi, người ta không hiểu tại sao. Nhưng một thời gian sau nhìn lại thì thấy cảm thấy mất đi đó là một điều hợp lý, khi mà mình có chút đỉnh kiến văn có thể giải thích được, hoặc là mình hài lòng với sự giải thích đó. Thời gian đó có rất nhiều tiệm bánh nhỏ lẻ cũng làm bánh như vậy, cũng một kiểu trang trí bánh như vậy. Nhưng thời gian sau, khi Kinh Đô bắt đầu có công nghệ ép socola, rồi bắt đầu trang trí bánh theo kiểu kem mousse trắng tinh, bắt đầu rắc vụn sô cô la, có lớp mứt gelatin, bắt đầu có quả anh đào. Nói chung là trông đơn giản hơn, nhưng "Tây" hơn. Thời đó mình đã thích kiểu bánh như vậy lắm, vì xem trên phim thấy đẹp quá mà, nên ai mời mình một cái bánh trang trí kem bơ theo kiểu cũ mình thấy nó rất lạc quẻ, rất không hợp thời. Mặc dù so ra thì mấy cái trang trí kiểu mới chưa chắc đã ngon. Vào thời đó, đã bắt đầu chộn rộn cái gọi là xu hướng. Tất nhiên, xu hướng là cái điều cốt lõi nằm trong văn hóa thành thị lâu năm, nhưng chỉ từ giai đoạn đó mình mới lờ mờ hiểu được có một cái xu hướng mang ý nghĩa thương mại rõ rệt hơn. Nói đơn giản là những cái bánh trang trí kiểu "mới" kia bán ra dễ hơn, vì được một chuỗi hệ thống rồi quảng cáo đủ các kiểu hơn, có đầu tư và có chiến lược hơn. Còn những cửa hàng bánh cũ thời đó, không chắc họ đã tư duy như một 'doanh nghiệp', mà chỉ là những 'người thợ làm bánh' hơn là làm kinh tế. Không một chuyên viên nào cố vấn cho họ phải đổi làm sao, bán thế nào. Họ tin rằng họ có lượng khách hàng cố định của riêng họ. Nhưng những người khách này lại không tin họ. Đâu có gì là mãi mãi. Không ai cũng có thể đi xa trăm dặm hải lý để ăn được một cái cotton cheesecake đích thực như thế nào, vào một thời điểm thông tin chỉ có qua sách, báo, truyền hình, những cái gì mới mới hay tương tự đều không thể đáp ứng được. Và thế là không tồn tại nữa.
Đó không phải là tính bảo thủ, nhưng không phải ai cũng biết làm mới là làm như thế nào mới đúng. Nhất là, ở giữa một nơi như Sài Gòn. Sài Gòn không phải là Hà Nội, Sài Gòn quá nhanh. Có khi nó nhanh tới mức người ta chưa kịp nhận thấy là phải-nên-tiếc-nuối, thì nó đã thoáng qua mất rồi. Hồi đó mình từng có mấy lần đi qua Thụy Khuê, ở đó có một hai hàng bánh đã lâu đời lắm rồi, cứ đến trung thu là người ta xếp hàng để mua bánh, năm nào cũng đúng y như vậy. Có lần mình cũng chen được mua ăn thử coi sao. Thực ra là rất ngon. Nhưng không ngon đến mức phải xếp hàng không nói về hương vị, mà nói về cách bày trí, đóng gói thì đối với mình không đạt được điểm nào. Nhưng về sau cũng phải hiểu, đó không phải là một kiểu bảo thủ, mà là vấn đề 'văn hóa tiêu dùng' . Văn hóa của những thành phố khác nhau tạo thành những thói quen tiêu dùng khác nhau. Và vì đó cũng là một loại văn hóa, nên không thể xét đoán được ở đâu tốt hơn ở đâu dở hơn được, nói như vậy hơi bị thiển cận. Mỗi thành phố trên thế giới này đều có lý lẽ riêng của nó.
Quay lại chuyện quà Noel, năm đó mình được tặng quyển Bách khoa toàn thư dành cho trẻ em từ 6 đến 9 tuổi. Nói thật buối sáng mình mở quà ra là thấy ‘cái gì thế này?’ giống như Nobita trong tập Chuyến tàu đến bắc cực hay gì đó. Nói thật hồi nhỏ mình khá ít nhu cầu, tất nhiên là cũng thích cái này cái kia nhưng là loại ít nhu cầu, hem biết xin cái gì. Mà thực ra phải mất một thời gian mình đọc Asari mới biết à thì ra trong thư gửi ông già Noel là được quyền xin xỏ, chứ hồi đó mình viết theo cái format “năm qua con đã thế này thế kia” xong vẽ hình tô màu nên tóm lại quà Noel của mình mang tính bất ngờ dữ lắm. Quyển Bách khoa toàn thư cho trẻ em đó thực ra là quyển sách hay, không phải thể loại sách truyện bấm con vịt kêu kêu hay là dạng sách dựng hình của Disney mà là một thể loại sách khoa học. Hình vẽ lại vô cùng đẹp, lời lẽ (dịch) rất là hay, không phải các bé ơi các bé à gì đó mà đối xử với người đọc – trẻ em từ 6 đến 9 tuổi – như một độc giả chín chắn đàng hoàng. Đủ hết các chủ đề, từ tại sao một cái hạt táo nảy mầm từng giai đoạn ra sao, rồi đến vũ trụ Thái Dương hệ có những hành tinh nào, mặt trời là một ngôi sao chứ hẻm phải hành tinh, đến cách làm kem ra sao, làm phim hoạt hình như thế nào (cái này mình thích nhất). Hơn nữa lời lẽ liên kết rất gãy gọn, rất liên tục như là “Tuy nhiên”, “chưa hết”, “còn nữa”…nhận xét rất gần gũi, “nếu như kem không ngon, thây kệ, chúng ta sẽ không ăn nữa”. Sách này hình như còn tập hai – dành cho trẻ em từ 9 đến 12 tuổi hay sao đó. Nói chung về sau nhất định phải tìm mua cho con mình.
3. Đèn bàn
Món quà mang tính đáng nhớ thứ ba là đèn bàn (học). Quà này chắc chắn là ông già Noel thiệt tặng mình rồi. Hồi còn nhỏ thì chưa có được ngồi bàn có ngăn kéo như bây giờ, mà tất cả tập vở sách bút đều để trong cái hộc ở dưới mặt bàn, muốn gì thì lật cả cái mặt bàn lên mà lấy. Nên cái đèn bàn này quả là chỉ có ông già Noel tặng chứ ba má mình tư duy logic lắm chắc không đến mức khó hợp lý đến mức đó, thêm nữa là phòng hồi đó tuy nhỏ nhưng tới hai cái đèn Neon chiếu thẳng vào bàn học. Nên quả là ông già Noel thiệt tặng. Cái đèn bàn được bọc trong một cái hộp giấy khá là to, vì thế, có thể xem như là món quà Noel bự nhất mình từng được tặng.
Hồi đó dưới gốc cây thông ngoài quà thiệt, nhà mình hay để lẫn vào quà giả cho nó xôm tụ chứ thực ra chỉ có 2 trong số đó là có nội dung, còn lại là hộp giấy không. Sau này có mấy chị ké để tổ chức Giáng Sinh cho con của mấy anh/chị đó hoặc là mấy đứa cháu chứ thời xưa thì chỉ có quà cho hai đứa là thật thôi và chỉ xuất hiện bất ngờ vào đêm 24. Hy hữu lắm mới có đêm 22, 23 và cũng ít có trò mở he hé ra coi hay lắc lắc gì đâu. Nên làm giả riết lộn thành thật, cứ đến lúc lấy cây thông ra trang trí là mình với em mình bày thêm tiết mục làm quà giả bộ. Hai đứa cứ lấy đồ cũ, búp bê siêu nhân cụt tay bong sơn sứt mẻ gì cũng được, giả bộ gói lại, cho vào hộp, cũng gói nơ kim tuyến ruy băng vải đỏ rồi viết thiệp dear này dear nọ hoành tráng lắm. Đến sáng 25 giả bộ ngồi mở đống quà giả ra "trời ơi" "chu choa" hay chưa ... làm như quá nhiều ông già Noel tặng chứ thực ra hiếm hoi lắm mới được quà từ người khác vì người ta tặng trước Noel rồi, mà toàn tặng bánh khúc cây không à. Còn thì không có gói lại nên hai đứa tự gói xong tự chơi vậy đó. Xong mới giả bộ thảo mai lấy quà thiệt ra lâng lâng run run mà mở. Còn giở trò quay phim chụp hình với nguyên mớ đồ cũ nói chiện với kiều bào nước ngoài nữa nghĩ lại cũng thấy nhục nhục =))) Kiểu người ta gửi quà từ hồi nào xong hai đứa này noel ngồi gói gói rồi sau noel tự ngồi mở mở ra xong còn phát biểu trước máy quay cảm ơn sâu sắc thật ngại quá này nọ bất ngờ quá tất cả quá trình đều được chụp hình quay vi déo lại. Nói chung mấy cái đồ giả đó chỉ chú trọng số lượng không trọng chất lượng nên cái gì gói được là mang ra gói liền. Có lần mình mang luôn hộp màu sáp ra gói quà làm quà Noel mà hôm sau có giờ học vẽ bèn tìm loạn cả nhà không thấy, tưởng mất rồi khóc quá chừng luôn. Sau đó mới nhớ ra là gói trong đống đồ giả, mà không nhớ là gói cái nào vì cái nào gói giả cũng không tôn trọng hình dáng ban đầu. Gói có cục kẹo chút xíu mà nhét giấy độn lên y như một hộp vậy đó mới hài lòng. Tóm lại là lần xé quà mệt xỉu kiếm ra hộp bút sáp xong tối lại về len lén lấy băng keo gói lại để sáng "diễn".
Thế như đến một lúc nào đó, tất cả những điều ngây ngô đó đã không còn. Giống như những vụn kim tuyến từ chiếc nón, từ những quả thông và mớ đồ trang trí, cả những hạt xốp tròn trên những bông hoa tuyết giả. Một buổi sáng dậy quét dọn là sạch trơn. Cái cảm giác buổi sáng sớm sau Noel nó vừa lành lạnh, vừa tàn cuộc, vừa lụn vụn. Hóa ra có thể những điều tốt đẹp và ngây ngô thời xưa đó đã phai nhạt đi rất nhiều. Ngày nay tuy có nhiều dạng niềm vui, cũng nghe những bài nhạc năm nào cũng phát đi phát lại đó, nhưng cảm giác hệt như mớ hoa xốp của những ngày xưa đó, vì hóa ra những điều trong sáng như thế không tồn tại mãi được.
Lúc mình viết entry này chỉ định là vừa kể một chuyện vui vậy thôi, không ngờ càng viết càng dài. Đến mức, định đi lục lại những hình ảnh xưa cũ đế minh họa một phần. Nhưng có lẽ không cần thiết. Trong ảnh, có những người đã không còn hiện diện trên đời nữa, có những người đã quá lâu không hiểu đã đi đâu và về đâu, có những người không biết vì sao không còn liên lạc nữa. Và đến đây thì có lẽ bạn sẽ hiểu được rằng, đó là đánh mất. Cũng giống như những vụn hoa tuyết tan đi trong gió. Khi buổi tiệc đã tàn, không gì còn lại ngoài vỏ chai champagne đã rỗng và những con người mơ ngủ.
Trong năm nay mình đã mất đi một người bạn. Thực ra đối với vấn đề mất bạn, đa phần là do mình không muốn chơi nữa. Nhưng đối với người bạn này, mất là mất thật. Điều đó xảy ra vô cùng đáng tiếc.
Khi mình hồ hởi viết phần trên của entry, facebook báo hiệu hôm nay là sn của bạn ấy. Nhưng tất cả những tin nhắn, những hoạt động, đã mãi mãi dừng lại ở một ngày tháng 9 kia rồi. Bạn ấy đã đi cách thế giới này, đi trước chúng mình một quãng. Dù sao thì đêm nay là đêm Bình An, vẫn mong rằng bạn ấy sẽ được thanh thản.
Vào thời khắc trưởng thành, khi bạn không còn cảm thấy trò chơi nghịch những quả châu thủy tinh ngoài đường là rất vui vẻ, không còn cảm thấy những chiếc bánh homemade là rất ngon lành, cũng bắt đầu cảm thấy trò giả vờ làm quà vô cùng ấu trĩ, thực ra bạn đã mất nhiều hơn là được. Cái cảm giác tự tạo ra niềm vui là một điều hồn nhiên tự nó, và vì vậy khiến mọi thứ trở nên vô cùng giản dị. Dù cho có giản dị đến mức có vẻ như ngốc nghếch, nhưng đó không phải là mục đích đơn thuần của hạnh phúc hay sao? Vui vì không có mục đích phía sau nào nữa.
Giống như từ giai đoạn đi bộ bước một bước lên tàu điện siêu tốc vậy, khi tàu lăn bánh,không thể nhìn ngắm kịp cảnh vật phía xung quanh, nhưng vì đi tàu siêu tốc, nên nhất định phải tỏ ra sung sướng. Thí dụ như giáng sinh năm ngoái mình cũng không nhớ rõ là đi chơi những đâu, chỉ nhớ là chơi cũng khá vui vẻ. Được quà cũng khá vui vẻ. Là vì ngày lễ đó không còn ý nghĩa trong sáng như ban đầu, nó có màu sắc nhiều hơn - màu sắc hơn không có nghĩa là nhạt đi, nó chỉ đặc thù hơn mà thôi. Mà là nó bắt đầu có ý nghĩa rõ ràng hơn, cho một mối quan hệ. Và những câu chuyện về nó bắt đầu có hình tượng hơn, hợp lý hơn. Niềm vui trẻ con khác với niềm vui của người trưởng thành. Cũng có thể trong một lúc nào đó khi già hơn bây giờ, cũng sẽ nhớ về những lúc vui vẻ - có khi là khá bốc đồng của ngày hôm nay. Giáng Sinh vừa qua đã trải qua với người yêu như thế này, thì nó chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ đó, chứ không phải là một ý nghĩa giáng sinh đơn thuần.
Như thế cũng đâu có sao. Vì ở mỗi độ tuổi, cần thiết enjoy cuộc sống của mình tại thời điểm đó.
Mình thấy có những bạn về tuổi tác tính ra còn rất trẻ, nhưng không hiểu tại sao cứ phải ép mình sống trong những hoài niệm, những lớp bụi kim tuyến của một điều (các bạn cho là) vàng son, nhưng các bạn thực sự chưa từng sống qua. Cũng có những bạn cảm thấy ngợp với cái-kiểu người ta bây giờ thế này, người ta bây giờ thế kia, mà cứ phải ép mình. Thực ra đến một lúc nào đó khi các bạn đã có đủ những câu chuyện của chính mình rồi, sẽ không cần thiết phải dùng những câu chuyện của người khác làm lý tưởng và thái độ sống nữa. Đó chính là sự khác nhau giữa "khái niệm" và "trải nghiệm". Không cần phải đi đâu xa, hãy xem xung quanh mình, và tận hưởng nó đúng lứa tuổi mình. Giống như trong bộ phim Midnight in Paris vậy, những năm 20, 40, 60 người ta cũng từng ào ào trào lưu thế này thế nọ đó thôi. Ai mà không từng mong ước đắm mình trong thời của những buổi tiệc, những hội hè miên man thời của F. Scott Fitzgerald, Ernst Hermingway hay kiểu "live, travel, adventure and don't be sorry" như Jack Keourac? Nhưng những người có tính cách như vậy, trong thế giới nào hay thời đại nào cũng sẽ rất 'amazing' như vậy thôi.
Đừng trở thành những người 'thợ bánh' cũ hoang mang trước sự ào ạt của những kiểu bánh mới, vì các bạn còn quá trẻ để bảo thủ. Sẽ không sai gì nếu các bạn không đứng về số đông, nhưng nếu có một thời khắc để vui vẻ - thì cứ vui vẻ.
Giống như bức thư năm xưa kèm theo cái hộp đèn bàn của "ông già Noel" nào đó viết
"Có thể ông già Noel cũng sẽ chỉ xuất hiện trong vài năm nữa thôi. Đến khi con 18 tuổi, sẽ không còn tin có ông già Noel nữa. Nên việc con cố gắng làm người tốt, hay không tốt, chỉ còn là việc của con mà thôi"
tất nhiên nội dung thì không có hack não như vậy, nó chỉ dừng lại ở chỗ chúc con ăn ngon chóng lớn học tập tốt lao động tốt khiêm tốn thật thà dững cảm, nhưng những gì mình nhớ, thì đại khái là như thế. Lá thư đó thực ra mang tính phản tỉnh cũng khá nhiều.
Nhưng đối với một đứa lớp 5 thì cũng hơi quá.
mà thực ra đến bây giờ mình cũng chưa đoán ra, "ông già Noel" đó là ai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét